Nhà đầu tư dệt may đua nhau về Việt Nam

Ngày Đăng : 12/05/2016 - 11:56 AM
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, từ đầu năm 2015 đến nay, số lượng các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào ngành dệt may Việt Nam vẫn đang gia tăng, nhằm đón đầu những ưu đãi của các Hiệp định thương mại tự do. Cùng với đó, ngành da giầy cũng đang phát đi nhiều tín hiệu vui khi hiện khoảng 55,7% doanh nghiệp, có đơn hàng xuất khẩu tăng trong quý II năm 2015.

Nhà đầu tư dệt may đua nhau về Việt Nam

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, từ đầu năm 2015 đến nay, số lượng các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào ngành dệt may Việt Nam vẫn đang gia tăng, nhằm đón đầu những ưu đãi của các Hiệp định thương mại tự do. Cùng với đó, ngành da giầy cũng đang phát đi nhiều tín hiệu vui khi hiện khoảng 55,7% doanh nghiệp, có đơn hàng xuất khẩu tăng trong quý II năm 2015. 

 

Sản xuất công nghiệp đang trên đà tăng trưởng 

Chia sẻ về vấn đề tăng trưởng sản xuất công nghiệp trong tháng 4 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết,  mặc dù tăng trưởng sản xuất công nghiệp tháng 4 so với tháng 3 có giảm nhẹ (giảm 0,4%), tuy nhiên, tính chung 4 tháng tăng trưởng sản xuất công nghiệp tiếp tục duy trì và tăng 4 điểm phần trăm so với mức tăng của cùng kỳ năm 2014 so với năm 2013.  

Cũng theo Thứ trưởng Trần Tuấn Anh, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn tiếp tục nằm trong xu hướng tăng. Trong khi đó, mặt hàng có mức tăng trưởng cao hơn mức tăng trưởng của toàn ngành tập trung nhiều ở nhóm các mặt hàng, là đầu vào của sản xuất và hàng tiêu dùng. 

 

Theo đó, trong tháng 3 vừa qua, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã tăng 35,6% so với tháng trước và tăng 12,3% so với cùng kỳ năm 2014. Tính chung 3 tháng đầu năm 2015, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 13,9% so với cùng kỳ năm trước (năm 2014 tăng 5,5% so với năm 2013). Trong đó các nhóm ngành có tăng trưởng cao so với cùng kỳ gồm sản xuất xe có động cơ; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học; sản xuất kim loại; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị); sản xuất thiết bị điện. 

Liên quan đến tình hình tồn kho, lãnh đạo Bộ Công Thương cũng cho biết, tại thời điểm 1/4/2015, chỉ số tồn kho của toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 11,3% so với cùng thời điểm năm 2014 (cùng kỳ năm 2014 so với năm 2013 là 13,9). 

 Trong đó, một số ngành chỉ số tồn kho cao là sản xuất chế biến thực phẩm tăng 29,1%; sản xuất đồ uống tăng tới 60,4%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 22,8%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 112,3%; sản xuất kim loại tăng 22,3%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 43,4%; sản xuất xe có động cơ tăng 50,9%; sản xuất phương tiện vận tải khác tăng 49,1%. 

“Việc chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng, trong khi đó chỉ số tồn kho giảm so với cùng kỳ là những dấu hiệu tích cực thúc đẩy sản xuất phát triển”, Thứ trưởng Trần Tuấn Anh chia sẻ. 

Nhà đầu tư nước ngoài đầu tư mạnh vào dệt may Việt Nam 

Cũng liên quan đến tình hình sản xuất của Việt Nam, trong đó tập trung chính vào những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, Thứ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, đến thời điểm này, nhiều doanh nghiệp thuộc các ngành sản xuất dệt may và da giày đều đã có đơn hàng đến hết quý 2/2015. 

Theo đó, đối với ngành dệt may, trong tháng 4 năm 2015, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt và may mặc tháng 4 ước đạt 1,7 tỷ USD, tăng 10,4% so với cùng kỳ. Tính chung 4 tháng đầu năm 2015, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt và may mặc ước đạt 6,55 tỷ USD, tăng 10,2% so với cùng kỳ. 

Thứ trưởng Trần Tuấn Anh cũng chia sẻ, đến thời điểm này, hầu hết các doanh nghiệp ngành dệt may đã có đơn hàng ổn định đến quý II năm 2015. Đặc biệt, gần 62% doanh nghiệp sản xuất trang phục có đơn hàng tăng so với quý I năm 2015. 

Cũng theo chia sẻ của Thứ trưởng Bộ Công Thương, từ đầu năm 2015 đến nay, số lượng các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào ngành dệt may Việt Nam vẫn đang gia tăng, nhằm đón đầu các Hiệp định thương mại tự do như Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam - EU, FTA Việt Nam - Hàn Quốc… Bởi ngành dệt may Việt Nam được nhận định sẽ được hưởng lợi nhiều nhất do nhiều dòng thuế sẽ giảm về 0%. 

Cùng với ngành dệt may, ngành da giầy trong thời gian vừa qua cũng đón nhận nhiều thông tin tích cực, khi hiện có khoảng 55,7% doanh nghiệp ngành da giầy có đơn hàng xuất khẩu tăng trong quý II năm 2015. 

Bộ Công Thương cho biết, trong tháng 4/2015, sản lượng giầy dép da ước đạt 28,8 triệu đôi, tăng 25,9% so với cùng kỳ năm 2014. Kim ngạch xuất khẩu giầy, dép các loại tháng 3 ước đạt 950 nghìn USD, tăng 12,7% so với cùng kỳ. Tính chung 4 tháng đầu năm 2015, sản lượng giầy dép da ước đạt 103 triệu đôi, tăng 24,7% so với cùng kỳ năm 2014. Kim ngạch xuất khẩu giầy, dép các loại ước đạt 3,505 triệu USD, tăng 19,1% so với cùng kỳ. 

Hỗ trợ khách hàng : Mr. Truong - 0903 232 737; Ms. Tuyết - 0937 542 097 ; Ms. Kim Phượng - 0971 335 750